Thứ tư, 11/09/2024

Thành phố Ninh Bình: Triển khai dịch vụ hành chính công trực tuyến góp phần hướng tới xây dựng đô thị thông minh.

Thứ sáu, 09/12/2022 Đã xem: 34

Với mục tiêu: lấy người dân là trung tâm, trong những năm qua, thành phố Ninh Bình đang đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến theo các mức độ tại Trung tâm một cửa liên thông thành phố và 14 phường, xã, nhằm phục vụ tốt nhất cho các tổ chức, cá nhân khi đến giao dịch. Thành phố Ninh Bình hiện đang tiếp nhận và xử lý 244 thủ tục hành chính qua dịch vụ công. Trong đó: dịch vụ công mức độ 2 là 93 thủ tục, dịch vụ công mức độ 3 là 92 thủ tục, mức độ 4 là 59 thủ tục. Các thủ tục chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như: đăng ký kinh doanh, tư pháp, cấp phép vệ sinh an toàn thực phẩm……  Cùng với đó, UBND thành phố đang tiến hành rà soát các thủ tục hành chính đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu giải quyết thông qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, đồng thời chỉ đạo các xã, phường tăng cường cơ sở vật chất tại Bộ phận một cửa để giúp người dân, doanh nghiệp có điều kiện in các phiếu, biểu mẫu gửi kèm theo hồ sơ… kiện toàn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, trả kết quả, giải quyết thủ tục hành chính. 

 Từ khi triển khai thực hiện, số lượng hồ sơ giao dịch trực tuyến tại trung tâm một cửa liên thông thành phố và 14 phường, xã tăng ( năm 2021 thành phố có trên 2.300 hồ sơ phát sinh và tiếp nhận giải quyết trực tuyến theo mức độ 3 và 4 - tăng trên 1200 hồ sơ so với năm 2020). Thành phố cũng đã bước đầu hiện thực hóa được mục tiêu giúp người dân, tổ chức, doanh nghiệp giao dịch, giải quyết thủ tục hành chính không cần phải trực tiếp đến Trung tâm, rút ngắn thời gian giải quyết, giảm đáng kể giấy tờ, chi phí đi lại, chi phí thủ tục hành chính; tăng tính công khai, minh bạch, góp phần nâng cao mức độ hài lòng của người dân với sự phục vụ của các cấp chính quyền địa phương.Với việc đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 ở Trung tâm một cửa liên thông thành phố  như hiện nay, mọi người dân, tổ chức có thể giao tiếp và thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính với cơ quan nhà nước xuyên suốt 24 giờ/ngày, 7 ngày/tuần tại bất cứ địa điểm nào có kết nối internet. Việc xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ có thể theo dõi, giám sát tình trạng, quá trình thực hiện qua môi trường mạng. Ở mức độ cao nhất (mức độ 4), các tổ chức, người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện các thủ tục hành chính, kể cả đóng các khoản phí thông qua thanh toán điện tử trên môi trường mạng, liên kết tài khoản mà không cần phải đến trực tiếp các cơ quan nhà nước. Mức độ này được coi là bước chuyển đổi số mạnh mẽ về cải cách thủ tục hành chính, qua đó giúp giảm thiểu tối đa về thời gian gửi, nhận hồ sơ; giảm chi phí đi lại, giấy tờ của cả người dân và chính quyền, góp phần xây dựng một nền hành chính công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, có hiệu lực, hiệu quả; phục vụ ngày càng tốt hơn các tổ chức, công dân, qua đó góp phần vào công cuộc xây dựng nền hành chính điện tử.  Đặc biệt trong giai đoạn cả nước chung tay phòng chống dịch bệnh, việc đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 đã phát huy tính hiệu quả và tiện lợi đối với người dân, thực hiện đúng quy định về giãn cách xã hội mà không ảnh hưởng đến công việc, quyền lợi của tổ chức, cá nhân.

 Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi và kết quả nổi bật, quá trình vận hành, triển khai dịch vụ hành chính công trực tuyến của Trung tâm một cửa liên thông thành phố cũng gặp nhiều khó khăn, đó là: trong giai đoạn đầu hệ thống Trung tâm chưa ổn định và đội ngũ công chức mới làm quen tác nghiệp, một số tính năng chưa thật sự thuận tiện, kết hợp thao tác không đúng hướng dẫn khiến lỗi kỹ thuật hồ sơ tương đối lớn. Bên cạnh đó, số hồ sơ trực tuyến mức độ 3 và 4 có ở hầu hết các lĩnh vực, nhưng tỷ lệ nộp hồ sơ online thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 chỉ tập trung ở một số lĩnh vực như : tư pháp, đăng ký kinh doanh …. Mặt khác, một bộ phận người dân chưa có điều kiện tiếp cận ngay với các loại hình dịch vụ công trực tuyến, tâm lý của nhân dân trong việc giải quyết thủ tục hành chính vẫn muốn trực tiếp làm việc với cơ quan nhà nước, nhiều người dân cao tuổi, ít sử dụng các loại hình điện tử thông minh...

 Để khắc phục những khó khăn, trong thời gian tới, Thành phố  Ninh Bình tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người dân tiếp cận dần đến các dịch vụ hành chính công trực tuyến, từng bước xây dựng chính quyền điện tử, phấn đấu đến năm 2025: Tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 được tích hợp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia đạt tỷ lệ 30%; Tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên hệ thống một cửa điện tử của tỉnh đối với các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của thành phố là 50%; thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của phường xã đạt 20%. Trong đó, tỷ lệ hồ sơ phát sinh và xử lý trực tuyến đối với các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của thành phố đạt 40%; đối với cấp phường, xã đạt tỷ lệ 10%./.

Theo tpninhbinh.ninhbinh.gov.vn

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?