Thứ hai, 16/09/2024

Thường xuyên nâng cao cảnh giác đối với đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng

Thứ năm, 17/08/2023 Đã xem: 39

Thời gian gần đây, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật có sử dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp, khó lường, gây thiệt hại lớn về tài sản cho nhân dân. Các đối tượng hướng đến không chỉ là những người có thu nhập thấp, thất nghiệp,... mà cả những người có trình độ cao, công việc ổn định. Trong đó, nổi lên là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng (mạng xã hội, viễn thông). Các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, xảo quyệt như chiếm quyền sử dụng các tài khoản mạng xã hội (Facebook, Zalo...), mạo danh người thân mượn tiền giải quyết việc gấp; giả danh cơ quan thực thi pháp luật, cán bộ cơ quan Nhà nước, nhân viên ngân hàng, nhân viên chăm sóc khách hàng của các nhà mạng để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; kêu gọi đầu tư kinh doanh đa cấp, tiền ảo, thiết lập các trang mạng ngân hàng giả mạo để lấy dữ liệu thông tin khách hàng; hay gần đây nhất là thủ đoạn lợi dụng công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra các sản phẩm công nghệ âm thanh, hình ảnh và video làm giả đối tượng ngoài đời thực với độ chính xác rất cao, làm giả cuộc gọi video nhằm chiếm đoạt tài sản.  

Để tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, người dân cần thực hiện “4 không” đó là:  Không sợ (không hoảng sợ khi nhận được điện thoại, tin nhắn, các thông tin mà người lạ mặt gửi đến có nội dung xấu liên quan đến cá nhân và người thân);  Không tham (khi có người lạ gọi điện hoặc gửi tin nhắn thông báo được trúng thưởng hoặc nhận được khoản tiền lớn không rõ nguồn gốc thì không được tin lời các đối tượng); Không kết bạn với người lạ (khi có người lạ mặt trên mạng xã hội kết bạn làm quen không rõ là ai, mục đích gì… thì không nên kết bạn, bắt chuyện, nhất là không được cung cấp các thông tin cá nhân để đối tượng có thể lợi dụng);  Không làm (khi các cá nhân không quen biết yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc yêu cầu chuyển tiền hay làm một số việc thì tuyệt đối không được làm theo); và “2 phải” là:  Phải thường xuyên cảnh giác (chủ động bảo mật các thông tin cá nhân, nhất là các thông tin quan trọng như: Thông tin thẻ Căn cước công dân; thông tin tài khoản ngân hàng; thông tin tài khoản mạng xã hội...); Phải tố giác ngay với cơ quan pháp luật khi có nghi ngờ (khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn hoặc các nội dung nghi ngờ là hoạt động lừa đảo hoặc không có cơ sở khẳng định nội dung thì các cá nhân phải báo ngay cho cơ quan pháp luật để được hướng dẫn xử lý). /.

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?